Liệu Đông và Tây có thể gặp nhau không?
Bộ ảnh thú vị về sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây.
Một Nghệ sĩ trẻ người Tàu, có tên Yang Liu hiện đang sinh sống tại Đức, vừa cho ra mắt bộ ảnh nét họa có tên “East Meets West” (Đông Tây gặp gỡ). Bộ ảnh cho thấy sự khác biệt trong đời sống văn hóa – xã hội giữa phương Đông và phương Tây.“Đông Tây gặp gỡ” thể hiện cách nhìn vừa chính xác, vừa hài hước về sự khác biệt muôn thuở. Nghệ sĩ Yang Liu cho biết: “Những nguồn tin được thể hiện trong bộ ảnh đồ họa này mang ý nghĩa tương đối cá nhân, dựa trên những trải nghiệm, và cảm nhận của bản thân tôi sau gần hai thập kỷ sinh sống ở Châu Âu”.
Vấn đề đúng giờ: Đúng giờ là yếu tố rất được tôn trọng trong các cuộc gặp gỡ ở thế giới phương Tây. Người ta không cần đến sớm để thể hiện sự tôn trọng, nhưng càng không nên đến muộn, vì đó là hành động bất lịch sự. Người phương Đông thì khác, họ có thể xê dịch giờ hẹn đôi chút, mà điều đó không trở thành vấn đề lớn.
Nhìn nhận về bản thân: Người phương Tây rất quan trọng cái Tôi, đề cao tính cá nhân trong một số khía cạnh của đời sống. Họ đòi hỏi những người xung quanh phải tôn trọng những gì thuộc về vấn đề cá nhân. Ở phương Đông, cái Tôi thường nhỏ bé, dễ bị khỏa lấp, và việc quên đi cái Tôi được cho là một đức tính đáng khen ngợi.
Đường phố ngày cuối tuần: Những ngày cuối tuần, đường phố phương Tây thường vắng vẻ, họ không đổ ra đường, mà thường có hai lựa chọn: một là ở nhà ngủ bù cho cả tuần lao động vất vả, hai là về miền quê vui chơi, hít thở không khí trong lành. Ở phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân thường đổ ra đường, tới các khu vui chơi, và trung tâm mua sắm để giải trí.
Tiếng ồn trong nhà hàng: Người phương Tây rất ngại việc nói to ở nơi đông người. Vì vậy, ở nơi công cộng như: nhà hàng, quán ăn, họ nói nhỏ, chỉ đủ để người ngồi với mình nghe thấy. Ngay cả việc gọi nhân viên phục vụ cũng được thể hiện bằng ánh mắt, và động tác tay. Người phương Đông khá vô tư trong việc này, họ có thể nói to, gọi nhau í ới ở nơi đông người.
Trẻ em trong gia đình: Trẻ em ở phương Tây không được cả gia đình chăm lo, ưu ái như ở phương Đông. Trong gia đình phương Tây, trẻ em có vị trí ngang bằng như những thành viên khác trong nhà, cũng có quyền lợi, và nghĩa vụ riêng. Ở phương Đông, em bé thường được coi là trung tâm thú vị của cả nhà, và các thành viên sẽ xoay quanh “tâm điểm” này.
Giải quyết vấn đề: Người phương Tây coi trọng kết quả sau cùng, vì vậy, họ sẵn sàng đương đầu với vấn đề cản trở, cốt sao đạt được mục tiêu nhanh nhất. Người phương Đông quan trọng quá trình thực hiện. Vốn không thích đối đầu, xung đột, nên người phương Đông có thể chấp nhận đi vòng một chút, tuy mất thời gian hơn, nhưng vẫn đạt được kết quả sau cùng, mà không tổn hao quá nhiều sức lực.
Các bữa ăn trong ngày: Người phương Tây thường ăn sáng vội vàng, ăn tối qua loa, thường dùng đồ ăn nhanh, bữa trưa vì vậy được coi là bữa ăn thư thái nhất trong ngày khi họ có thể rủ bạn bè ra tiệm dùng bữa. Người phương Đông đề cao tầm quan trọng của cả 3 bữa ăn trong ngày, họ thích sự nóng sốt. Ăn uống qua quýt theo kiểu “cơm đường cháo chợ” là điều không ai thích cả .
Liệu Đông và Tây có thể gặp nhau không?
Reviewed by Unknown
on
9:02 AM
Rating:
No comments: